TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Nam Úc: Ngày Quốc Hận Của Tôi Đâu?


Tác giả: Người Lính Già
Thể loại: sinh hoạt  cộng đồng

         Hằng năm, cứ mỗi lần ngày 30/4 đến, là khoảnh khắc lòng tôi dâng lên những cảm giác ngậm ngùi, pha lẫn nổi buồn xa xăm nào đó trùng điệp kéo nhau về trong tâm trí! Nhớ lại ngày 30/4/1975, tôi cũng như những người lính VNCH khác, cởi bỏ áo trận để nhận lấy thân phận  kẻ chiến bại, rời bỏ hậu cứ đơn vị tôi bước đi mà nỗi lòng cay đắn!!! Về quê chuẩn bị cuộc sống mới, làm người dân nắng sớm mưa chiều với đồng ruộng. Nhưng tôi tưởng chiến tranh đã chấm dứt thì hận thù xóa bỏ, nào ngờ tôi bị CSVN lừa dối:
- Các anh học tập chính trị về đường lối Cách Mạng vài hôm sẽ trở về sum hợp gia đình... Thế mà tôi cũng bị “cải tạo” vỏn vẹn hết 9 năm 6 tháng!
      Đến đầu năm 1985, tôi được nhà nước CSVN khoan hồng về sum hợp gia đình và phải trải qua thêm những tháng ngày bị “quản chế”. Hết thời hạn bị quản chế của địa phương, tôi mới được phép đi ra khỏi nơi cư ngụ và đi thăm vài thằng bạn đời ngày xưa trong quân ngũ. Có thằng bỏ xác nơi lao tù ngục tối, có thằng trở thành phế nhân vì bị bọn cai tù hành hạ trong thời gian cải tạo, có thằng vẫn còn trong tù với bản án “vô định”..v..v..
      Sau ngày 30/4/1975, những người thuộc chế độ Sài Gòn giống như tôi , đa số đều có chung hoàn cảnh: Nhà cửa bị nhà nước CSVN tịch thu, gia đình bị cưỡng bách đi Kinh Tế Mới... Trong thời gian cải tạo, tôi còn được may mắn hơn vài thằng bạn tù khác, là nhờ bên vợ tôi có mấy mẩu ruộng nên được ông nhạc gia chia phần cho vợ tôi 3 công ruộng để trồng lúa kiếm gạo sống qua ngày và đi thăm nuôi chồng! Vì thế nên khi ra khỏi tù, tôi không phải lâm vào hoàn cảnh “thiếu ăn thiếu mặc”. Nhưng tôi cũng không có vàng bạc để mà đóng cho chủ ghe vượt biển, nên chỉ còn một cách tôi giả dạng một người đi bán “quần áo cũ” để tìm đường vượt biên giới Việt-Miên ở xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu tỉnh Châu Đốc. Sau gần một năm trời tìm đường quen lối, tôi đã thành công ước nguyện, đến được Thái Lan và tạm cư nơi trại Sekew chờ ngày Cao Ủy phỏng vấn về  “tư cách tỵ nạn”. Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ rỏ từng chữ, từng dấu chấm và dấu phẩy những lời khai trong hồ sơ xin tỵ nạn của tôi như sau:
* Lý do rời Việt Nam: Tôi là người lính của chế độ VNCH, cấp bậc thiếu úy, bị tập trung cải tạo 9 năm 6 tháng! Nhà cửa bị tịch thu và gia đình bị cưỡng bách đi Kinh Tế Mới....
     Ngày phỏng vấn tôi, nhân viên cao ủy xem hồ sơ của tôi rồi hỏi tôi vài câu::
- Ông cấp bực thiếu úy mà sao bị tù lâu thế?
     Tôi trả lời thành thật:
- Bởi vì tôi phục vụ trong ngành An Ninh của quân đội VNCH!
      Phỏng vấn viên của phái đoàn Úc gật đầu rồi nói:
- Tao chấp thuận cho mầy định cư ở Úc.
      Lúc đó tôi rất vui mừng và cố gắng nói lên được vài lời cám ơn bằng tiếng Anh còn sót lại trong tôi sau những năm tháng tù đày:
- Thank you for accepting me as part of your country!
     Tôi đến Úc ngày 29/4/1987 và cư ngụ tại thành phố Adelaide của tiểu bang Nam Úc. Ngay hôm sau, ngày 30/4/1987, tôi được một người bạn chở đi dự buổi lễ Quốc Hận 30/4/1987 do CĐNVTD/NU tổ chức ở trụ sở của cộng đồng . Đây là lần đầu tiên, sau 12 năm sống dưới chế độ độc tài CSVN, tôi được tham dự buổi lễ có chào cờ và hát quốc ca VNCH! Cảm xúc của tôi lúc đó, khi nghe lời bài quốc ca, đã làm cho tôi ứa lệ vì chính tôi thật sự tìm lại được hình ảnh Tổ Quốc của tôi trên đất nước Úc có Tự Do và Dân Chủ.
      Rồi năm tháng trôi qua, cứ mỗi lần ngày Quốc Hận 30/4 đến, dù bận rộn việc nông trại đến mấy đi nữa, tôi cũng phải đến trụ sở hội CQN để dự lễ Quốc Hận do hội CQNQLVNCH/NU tổ chức. Vì đây cũng là dịp tôi gặp lại những bè bạn ngày xưa, ngồi uống vài lon bia và hàn huyên tâm sự, nhắc về những kỷ niệm thời chinh chiến... Ý nghĩa nhất của ngày Quốc Hận 30/4 đối với tôi là được nhắc nhở lại niệm từ: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm, để làm cẩm nang mà giữ vững lập trường Quốc Gia của một người chiến sĩ VNCH.
     Những Ngày lễ Quốc Hận kế tiếp tôi vẫn tham dự đều đặn, không thiếu vắng một lễ nào. Đối với nhận xét của tôi, những nhiệm kỳ do ông nguyễn Văn Tây làm chủ tịch hội CQNQLVNCH/NU từ 2003 đến 2009, tuy ông Tây chỉ là một hạ sĩ quan, nhưng ông Nguyễn Văn Tây đã điều hành hội CQN đạt được những thành tích đáng kể như: Xây dựng được tượng đài chiến sĩ Úc-Việt, tổ chức những ngày lễ Quốc Hận hằng năm rất long trọng để cho các anh em CQN và đồng hương đến thắp hương cho những anh hùng Tử Sĩ QLVNCH, sinh hoạt của hội CQN thời kỳ nầy rất là đoàn kết trong tinh thần Huynh Đệ Chi Binh, có làm lễ thượng kỳ ở tượng đài chiến sĩ Úc-Việt vào ngày 19/6 mỗi năm...
      Đến thời kỳ ông Dư Hữu Chí làm chủ tịch 2009-2011, vẫn  đạt được vài thành tích nổi bật: Tổ chức lễ Quốc Hận và lễ thượng kỳ tại tượng đài chiến sĩ  Úc-Việt, tổ chức ngày Quân Lực 19/6/2011 đãi miễn phí cho tất cả hội viên tham dự...
      Nhưng đến thời kỳ ông Ngô Anh Tuấn, bắt đầu từ tháng 6/2011 đến hôm nay, đã không những chẳng thực hiện được những lời hứa hẹn khi tranh cử, mà còn đưa hội CQNQLVNCH/NU vào sự phân hóa phe nhóm trầm trọng như bây giờ!!!! Nếu nhìn lại quá trình sinh hoạt của hội CQNQLVNCH/NU, từ khi thành lập hội cho tới nay trải qua các thời chủ tịch: Mai Hồng Vân, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Sanh Phương, Đặng Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Văn Tây, Dư Hữu Chí và đương nhiệm là ông Ngô Anh Tuấn. Chúng ta nhận xét dựa trên thành quả đạt được và tinh thần đoàn kết của hội viên, thì thời kỳ ông Ngô Anh Tuấn là tệ hại nhất trong lịch sử sinh hoạt của hội. Yếu tố gây chia rẻ trong hội CQN do ông Ngô Anh Tuấn làm chủ tịch có thể bắt nguồn từ các mặt:
- Dùng hội CQN để đạt mục đích cá nhân, chẳng hạn như mục đích để được OAM.
- Tham danh giữ nhiều chức vụ " Chủ tịch" nên không thể làm tròn hết nhiệm vụ!
- Cái tôi của ông Tuấn quá lớn nên dể trở thành người độc tài, dẫn đến tình trạng xa rời tập thể hội viên...
       Trở lại việc hủy bỏ ngày Quốc Hận 30/4/2013 của hội CQNQLVNCH/NU, đây là một việc làm của Ban chấp hành đương nhiệm, hoàn toàn trái ngược với tinh thần của hội CQN QLVNCH/NU trong niệm từ Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm mà các thời chủ tịch tiền nhiệm đã thực hiện mỗi năm!. Ngày Quốc Hận 30/4 hằng năm đã được xem như một ngày lễ trong sinh hoạt cộng đồng, nhằm nhắc nhở người Việt tỵ nạn CSVN ghi nhớ ngày mất nước vào tay CSVN, cho nên chúng ta KHÔNG thể hủy bỏ được. Nhưng vừa qua, hội CQNQLVNCH/NU đã không tổ chức ngày lễ Quốc Hận, không làm lễ thượng kỳ ở tượng đài chiến sĩ Úc-Việt vào ngày Quân Lực 19/6/2013 ...!! Phải chăng ông chủ tịch Ngô Anh Tuấn đã “đổi màu”. Xem bài viết: Khi Người Chiến Hữu Đổi Màu
         Căn cứ vào những sự kiện xảy ra trong sinh hoạt của hội CQNQLVNCH/NU, chúng tôi xin hỏi: Ngày Quốc Hận 30/4/2013 của chúng tôi đâu rồi? Mong rằng ban chấp hành hội CQNQLVNCH/NU đương nhiệm sẽ có một lời giải thích với chúng tôi và đồng hương Nam Úc. Bằng ngược lại, với thái độ im lặng là BCH đã chấp nhận hành động phản bội lại tinh thần Quốc Gia của đa số CQNQLVNCH/NU và đồng hương Nam Úc.
Adelaide ngày 19/6/2013

Người Lính Già